Đón nhận Kira-kira

Theo EVăn, điểm độc đáo của Kira - Kira còn là sự kết hợp hài hòa giữa chất phương Đông và phương Tây trong câu truyện. Nét hóm hỉnh, tinh nghịch, hài hước tình huống kiểu Mỹ lẫn cái nhẹ nhàng, thâm trầm, sâu kín của Nhật; sự lãng mạn, mơ mộng đứng bên cạnh hiện thực nghiệt ngã; niềm hạnh phúc dâng tràn bên cạnh sự chia ly, mất mát; cái ngô nghê, trong trẻo trẻ thơ bên cạnh sự trưởng thành, già dặn của những tâm hồn bé con đang dần lớn lên theo từng ngày.[1] Theo Sahara book, nước Mỹ trong câu chuyện là nước Mỹ những năm 1950, đời sống của những gia đình người Nhật trên đất Mỹ hậu kỳ Đại chiến thế giới 2 được miêu tả rất trung thực: Những xưởng làm việc với guồng máy công nghiệp xem con người chỉ là những công cụ sản xuất. Sự vùng dậy của những người công nhân như thành lập công đoàn, đấu tranh đòi giảm giờ làm... được khéo léo lồng vào câu chuyện với liều lượng vừa phải, qua cái nhìn của một cô bé đã giúp độc giả nhí dù thuộc quốc gia nào cũng đều có thể cảm và hiểu được sự bất công, phi lý đến lạnh lùng, tàn nhẫn của một xã hội ích kỷ... Trong bối cảnh xã hội nước Mỹ luôn có những xung đột về sắc tộc, sự chia cách giàu nghèo, nạn khủng bố, bạo động, tội ác... thì "Kira-kira" chính là bài ca đẹp về niềm hy vọng, tin tưởng vào cuộc sống, tình yêu thương, quý trọng, san sẻ giúp đỡ lẫn nhau giữa những người trong cùng một gia đình và giữa con người với con người trong cùng một xã hội. Và trên tất cả, thông điệp đằng sau Kira - Kira là: cuộc sống này rất phức tạp nhưng kỳ diệu biết bao. Bạn không nên đánh mất khả năng cảm nhận điều kỳ diệu đó dù là ở những điều nhỏ bé nhất trên đời. Tôi muốn những đứa trẻ biết rằng thế giới này tràn ngập niềm hy vọng và cái đẹp, Cynthia Kadohata đã nói như thế [2].